Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều đang bị chủ đầu tư nợ tiền
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn khó khăn, hầu hết các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công.
Khó chồng khó
Câu chuyện HĐQT Công ty CP Licogi 166 (DN có 60% doanh thu đến từ xây lắp) vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15-3-2023 đến 14-3-2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty lý giải việc ngừng kinh doanh nhằm mục đích tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Các cổ đông cũng đã đồng ý với quyết định tạm dừng hoạt động của HĐQT và cho phép công ty tiến hành thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
"Công ty không còn khả năng hoạt động, người lao động đã nghỉ việc nên không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Thực tế, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2019 vì không có việc, ít dự án và tài chính khó khăn. Một số dự án triển khai thì vướng mắc pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư, vì vậy công trình tồn đọng kéo dài… Cộng với 2 năm đại dịch khiến hoạt động công ty trì trệ, khánh kiệt và nợ ngân hàng đã bị sang nợ xấu từ tháng 7-2021" - đại diện lãnh đạo Licogi 166 lý giải.
Một tập đoàn xây dựng lớn như Hòa Bình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: TẤN THẠNH
Trước đó, dư luận trong ngành xây dựng, BĐS cũng xôn xao thông tin nhóm nhà thầu phụ đang thi công các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu gửi công văn yêu cầu thanh toán công nợ từ tháng 7-2022 đến nay. Nếu không được thanh toán, các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng.
Trong văn bản phúc đáp nhóm nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, thừa nhận dù luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính nhưng chính sách về hạn mức tín dụng bị thắt chặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét cấn trừ nợ bằng chính các BĐS cũng như các thiết bị xây dựng tồn kho nếu thấy phù hợp…
Không những thế, gần đây còn lan truyền công văn của một nhà thầu gửi cho một tập đoàn BĐS lớn đề nghị thanh toán công nợ tồn đọng kéo dài bằng tiền mặt số tiền hơn 120 tỉ đồng để họ thanh toán cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu thay vì trả bằng tài sản khác. Điều này phần nào cho thấy các nhà thầu đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.
Thực tế, câu chuyện nợ đọng trong ngành xây dựng không phải chuyện mới, từng gây khó cho nhiều nhà thầu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu ngành BĐS không gỡ được khó, ngành xây dựng cũng khó duy trì hoạt động, thậm chí phá sản. Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho biết ngành xây dựng phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của thị trường BĐS. Thị trường tốt, các DN, nhà thầu xây dựng sẽ "ăn nên làm ra". Còn ngược lại, thị trường khó, dự án đình trệ, có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.
Cơ cấu nợ, gỡ vướng cho các dự án
Trước tình cảnh khó khăn của các DN trong ngành, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan để cầu cứu trước nguy cơ phá sản vì khó khăn, dòng tiền bị tắc.
Tại văn bản này, với tư cách Chủ tịch SACA đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết trong 35 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của DN như hiện nay. Khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công... "Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được" - ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, hầu hết các DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ tiền thi công, dẫn tới nhà thầu nợ tiền ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế; nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được...
Giải pháp cho tình trạng này, SACA kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án BĐS.
Đồng thời, ông Hải cũng kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án BĐS. Việc này sẽ giúp DN nhanh chóng xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác... Điều quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành BĐS bao gồm xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng.
Tại một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nêu thực trạng hiện nay là chủ đầu tư nợ tiền thi công dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, khiến họ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn.
Theo Sơn Nhung
Người lao động